Thư Hoạ 書畫‎ > ‎Hội Họa‎ > ‎

Sơ lược các thể loại tranh Trung Quốc

đăng 01:28 11 thg 7, 2013 bởi Lỗ Bình Sơn   [ đã cập nhật 17:33 18 thg 7, 2013 ]
    
Hội 繪 là vẽ, Họa 畫 là bức tranh. Hội họa là vẽ một bức tranh. Về từ ngữ thì đơn giản là vậy nhưng để thưởng thức một bức tranh Trung Quốc, trước tiên ta cần biết qua các thể loại tranh. Tuy nhiên, việc phân loại tranh cũng có nhiều cách. Qua tìm hiểu tôi xin phân loại tranh theo ba tiêu chí chính sau:

1/ Phân loại theo chất liệu:
    
    Căn cứ theo chất liệu tạo nên bức tranh thì có hai loại chính:
    a/ Thủy Mặc Họa 水墨畫: Thủy nghĩa là nước, mặc nghĩa là mực. Tranh thủy mặc (đôi khi gọi trại là Tranh Thủy Mạc) là tranh vẽ bằng mực nước.
    b/ Bích Họa 壁畫:  là loại tranh được vẽ trên tường, nó xuất hiện từ rất sớm trong đời sống thời thượng cổ của người Trung Quốc. 


2/ Phân loại theo kỹ pháp
      Kỹ thuật và phương pháp hội họa Trung Quốc rất đa dạng. Dưới gốc độ tổng quát, có hai kỹ pháp 技法 (lấy thủ pháp làm cơ sở) chi phối nền hội họa Trung Quốc và cũng là phương pháp hội họa đặc thù của Phương Đông, đó là: 

    a/ Tả Ý họa 寫意畫:  là phỏng vẽ theo ý của tác giả, loại tranh này ngày nay còn gọi là Tranh Ấn Tượng
    b/ Công Bút họa 工筆畫: Là những bức tranh được vẽ tỉ mi công phu và chi tiết, chú trọng vào kỹ thuật. 


3/ Phân loại theo nội dung

    Về nội dung Hội hoạ Trung Hoa thể hiện ba phạm trù bao quát:

    a/ Hoa Điểu họa: Nội dung của tranh hoa điểu rất phong phú, đa dạng như chim chóc, hoa cỏ hay các loài vật. Tùy theo sở thích hay sở trường của họa gia mà họ chọn một hoặc một vài loài vật cụ thể để sáng tác.
    b/ Sơn Thuỷ hoạ 山水畫: Tranh sơn thủy hay Tranh phong cảnh là những bức tranh vẽ lên những cảnh quan sông, núi khi thì hùng vĩ, khi thì tĩnh lặng. Đây là loại tranh tiêu biểu nhất của Trung Quốc.
    c/ Nhân Vật họa 人物畫: Vẽ tranh nhận vật đã có lâu đời, xuất hiện sớm nhất có lẽ từ thời nhà Thương, đó là sự kiện trong Kinh Thư, thiên Duyệt Mệnh說命: vua Cao Tông nhà Thương mộng thấy hiền thần rồi truyền cho vẽ tranh để tìm kiếm khắp trong thiên hạ. Cuối cùng tìm gặp người giống như bức họa tên là Duyệt ở đất Phó Nghiêm, nhà vua bèn lập ông làm Tể Tướng lấy tên đất làm họ nên gọi ông là Phó Duyệt. Nhân vật trong tranh thường là các chân dung nhân vật lịch sử như Danh thần tướng lĩnh, văn nhân thi sĩ, đặc biệt là các bức mỹ nhân.

    Thông qua các nội dung trên mà các hoạ gia trình bày tác phẩm hội hoạ theo một Chủ đề cụ thể như nói về phong tục, tôn giáo tín ngưỡng, các loài vật, hoa cỏ trong thiên nhiên ... Do vậy, trong một bức hoạ có khi thì chỉ vẽ đơn thuần một nội dung, có khi thì tổng hoà các nội dung với nhau làm cho nội dung của bức hoạ phong phú và đa dạng nhưng hàm nghĩa sâu xa.